Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

TÌNH NGHĨA XÓM LÀNG - BÀI VIẾT SƯU TẦM TRÊN INTERNET

Tình làng nghĩa xóm
Một thành ngữ được gắn kết chặt chẽ, thể hiện tính lịch sử lâu đời và sức nặng tình cảm của mối quan hệ giữa những người dân cùng sống chung trong một làng xóm. Đó là "tình làng nghĩa xóm".
Mối tình sâu nặng bắt nguồn từ cuộc sống mở, của quá trình lao động đã hun đúc nên. "Đồng có láng giềng đồng, nhà có láng giềng nhà", là phương châm cuộc sống hằng ngày. Mỗi gia đình nông dân có một mảnh ruộng nhỏ trên cánh đồng. Khi ruộng cần có nước để cày cấy, không thể làm riêng mà được. Khi cày bừa, cấy lúa, không làm kịp thời, xung quanh cấy hết thì không còn lối để vào ruộng nhà mình mà canh tác. Khi lúa chín đại trà, cả làng đều đi gặt, nếu ruộng mình gặt sau, côn trùng, chim chuột tập trung phá hoại cũng sẽ không còn thu hoạch. Đó là chưa kể có nhiều việc như đào mương đắp máng, chống hạn, chống lụt, làm đường giao thông, xây các công trình phúc lợi... phải cùng chung tay góp sức. Nhiều lễ hội, lễ nghi đình đám việc làng, lại cùng nhau tham gia vui vẻ. Sự gắn bó trong quan hệ làng xóm bắt đầu từ đấy.
Thế rồi, cuộc sống quần tụ, "tối lửa tắt đèn có nhau" và thường xuyên phải nhờ vả nhau, từ đó tin yêu nhau coi nhau như ruột thịt "bán anh em xa mua láng giềng gần". Khi có việc đi vắng hết cũng nhờ hàng xóm trông nhà hộ hoặc gửi chìa khoá để cho ai cũng có thể về trước. Khi khoẻ mạnh, có ấm chè đặc, có bát canh ngon cũng cùng nhau chia sẻ. Lúc ốm đau, có thể anh em con cháu chưa biết, hàng xóm có mặt kịp thời để giúp đỡ. Rất nhiều trường hợp, hàng xóm đã là ân nhân cứu mạng mà cả đời không bao giờ quên. Đặc biệt, khi gia đình có cưới xin, hiếu hỉ, không thể thiếu bà con hàng xóm láng giềng để chia bùi sẻ ngọt. Cho nên, một điều đáng chê trách và bất hạnh là những người sống cô độc, hoặc để mất lòng hàng xóm. Thế nên, để sứt mẻ quan hệ láng giềng là một điều đáng tiếc, lỡ ra khó lòng hàn gắn lại.
Xưa có một người đi làm xa, ở nhà có chuyện tranh chấp mốc giới, đất đai với nhà bên cạnh, người vợ viết thư cho chồng, về ngay để giải quyết. Nhận được thư, người chồng không hề tỏ ra băn khoăn, không cần thiết phải về, đã viết thư cho vợ bằng mấy câu nhẹ nhàng: "Ngàn dặm thư đi chỉ tại tường/ Khiến ta cười, nghĩ lại mà thương/ Hàng xóm láng giềng nên nhân nghĩa/ Nhường họ vài phân chớ vấn vương". Có thể do quan hệ xóm giềng mà chịu thiệt thòi một chút thì có xá gì! Người đi xa thường nhớ về quê hương. Trong đó, nhớ nhất vẫn là nhớ con người, cho nên, ở nơi xa mà gặp được người cùng quê là mừng lắm: "Dù ai cho bạc cho vàng/ Không bằng ta gặp người làng của ta". Tình làng nghĩa xóm là tình nghĩa thường xuyên, suốt đời và muôn đời. Vì vậy, "nghĩa tử là nghĩa tận" lại càng phải hết lòng và chu đáo. Trong buổi sinh hoạt ở địa phương đã có người đọc mấy câu tâm tình để nhắc nhở lẫn nhau: "Đưa người đưa tận nghĩa trang/ Đừng đi tắt ngửa tắt ngang làm gì/ Sinh hữu hạn, tử bất kì/ Không may người mất, ai thì khiêng cho". Tình làng nghĩa xóm là mối tình sâu nặng, thuỷ chung, từ lâu đời ông cha ta đã dầy công xây dựng và vun đắp. Đó là truyền thống văn hoá tốt đẹp, là tình cảm không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn sẽ được nhân dân ta coi trọng, duy trì và phát huy mãi mãi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét